TỔNG HỢP
ĐỊA ĐIỂM DU LỊCH
NỔI TIẾNG TẠI VIỆT NAM
Home » » Chiếc nón bài thơ

Chiếc nón bài thơ

Written By IIT on Thứ Ba, 28 tháng 2, 2017 | tháng 2 28, 2017

   Làng làm nón bài thơ Tây Hồ nằm bên dòng sông Như Ý, thuộc xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Tiên Huế. Làng Tây Hồ là nơi sản sinh ra chiếc nón bài thơ- một vật dụng được xem là mang cả vẻ đẹp tâm hồn của Huế.


    Làng từ lâu đã nổi tiếng với nghề chằm nón lá truyền thống, cho đến tận bây giờ, những người dân Tây Hồ không còn ai nhớ nghề làm nón có từ bao giờ chỉ biết rằng trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, họ vẫn dựa vào nghề này để mưu sinh.


   Nghề chằm nón không chỉ dành riêng cho phụ nữ mà ngay cả những người đàn ông trong gia đình cũng có thể giúp chuốt vanh, lên khung nón. Với cây mác sắt, họ chuốt từng sợi tre thành 16 nan vành một cách rất công phu, sau đó uốn thành vòng thật tròn trịa và bóng bẩy. Người phụ nữ thì nức vành và ủi lá. Để có được lá đẹp, nón thanh và mỏng thì người thợ làm nón phải thật khéo léo sao cho khi chêm lá không bị chồng lên nhau nhiều lớp. Khi nón chằm hoàn tất, người ta đính thêm vào chóp nón một cái xoài được làm bằng chỉ bóng loáng để làm duyên, sau đó mới phủ dầu nhiều lần, phơi đủ nắng để nón vừa đẹp vừa bền. 


  Điều làm nên nét đặc biệt cho chiếc nón lá Tây Hồ so với các sản phẩm nón khác là dáng thanh mảnh, độ mỏng, màu nón nhã nhặn và đặc biệt nhất là những bài thơ chất chứa tâm hồn xứ Huế được gửi gắm vào trong chiếc nón. Vào thập niên 60 của thế kỉ 20, ông Bùi Quang Bặc- một nghệ nhân làm nón lá ở Tây Hồ và cũng là một người rất yêu thơ đã nghĩ ra cách ép những câu thơ , những bức tranh mang đậm phong cách Huế vào giữa hai lớp nón để làm tôn lên những vẻ đẹp và giá trị tinh thần của miền đất mộng mơ.  Theo đó người thợ thủ công còn tạc lên những bức tranh mang đậm phong cách Huế.


   Từ Tây Hồ, những chiếc nón được tỏa đi khắp nơi và trở nên gần gũi, thân quen trong cuộc sống bình thường của mỗi người phụ nữ Huế. Chỉ với những nguyên liệu đơn giản của lá dừa , lá gồi, những chiếc nón bài thơ vẫn trở thành những vật dụng không thể thiếu của biết bao thiếu nữ. Với nhiều người, việc chọn nón cũng là một thú vui nên không ít người đã kỳ công đến tận nơi làm nón để đặt cho riêng mình với những dòng thơ yêu thích. Buổi tan trường, các con đường bên sông Hương như dịu lại cái nắng hè oi ả bởi những dáng mảnh mai với những chiếc áo dài trắng, nón lá tinh khôi. Những gương mặt trẻ trung ẩn hiện sau vành nón sáng lấp lóa đã trở thành một nét đẹp rất Huế, rất Việt Nam.

SHARE

About IIT

0 nhận xét :